Việc triển khai thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, tài khoản định danh điện tử sẽ bắt đầu từ 8 giờ ngày 1.7 tại trụ sở tiếp dân của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về TTXH (PC06, Công an TP.HCM), Đội Cảnh sát QLHC về TTXH tại công an các quận, huyện, TP.Thủ Đức và tại bộ phận một cửa các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Công dân nhỏ tuổi đầu tiên ở TP.HCM đến làm thẻ căn cước, được cán bộ thu nhận mống mắt
Riêng tại PC06, chỉ trong buổi sáng đã làm thủ tục thu nhận khoảng gần 200 công dân từ trẻ em đến người già đến làm thẻ căn cước.
Công an Q.10 cho biết, có gần 400 công dân đến làm thẻ căn cước trong buổi sáng đầu tiên.
"Nhanh lắm, vài bước là xong"Đó là cảm nhận chung của những người dân khi đến làm thẻ căn cước tại trụ sở PC06 vào sáng 1.7.
Căn cước công dân (CCCD) đã hết hạn, do đó, ngay khi nhận được thông tin PC06 tổ chức cấp thẻ căn cước cho người dân, ông Trần Văn Tuấn (Q.Phú Nhuận) đã sắp xếp thời gian để đến làm thẻ.
Người dân đi làm thẻ căn cước ở trụ sở Công an Q.10 (đường Thành Thái, P.14, Q.10)
Ông Tuấn bắt đầu bấm số thứ tự từ 7 giờ 30, đến khoảng 8 giờ 30 thì bắt đầu thực hiện các thủ tục để đăng ký cấp thẻ căn cước: khai thông tin, chụp ảnh, lăn tay, lấy mống mắt… Toàn bộ quá trình đăng ký cấp thẻ căn cước chỉ diễn ra trong vòng 10 phút.
Người lớn tuổi cũng háo hức đi làm thẻ căn cước trong buổi sáng đầu tiên cấp đổi thẻ căn cước tại PC06
"Lúc đầu tôi lên thấy rất ít người, một hồi thấy rất là đông nên tôi không biết mình có làm được hay không. Tuy nhiên, các cán bộ công an hỗ trợ, giải quyết rất nhanh, rất bài bản, chuyên nghiệp", ông Tuấn kể.
Khi tới lượt, công dân chỉ cần đặt mắt vào đúng vị trí đã quy định trên thiết bị thu thập mống mắt và làm theo hướng dẫn của cán bộ công an. Toàn bộ quá trình thu thập mống mắt diễn ra chưa đầy 1 phút, cùng với lấy vân tay, chụp ảnh gương mặt.
Trẻ em, người già sẽ được ưu tiên làm thẻ căn cước, lấy mống mắt dễ dàngĐể việc cấp thẻ căn cước cho người dân diễn ra thuận lợi, PC06, Công an TP.HCM đã bố trí lực lượng túc trực cả trong lẫn ngoài để hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Trường hợp trẻ em, người lớn tuổi… sẽ được các cán bộ ưu tiên thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
Bé Trần Nguyễn Trang Nhung (10 tuổi, ngụ Q.10) là công dân trẻ tuổi nhất TP.HCM đến đăng ký cấp thẻ căn cước.
Bé Trang Nhung được cán bộ thu nhận mống mắt
Trang Nhung chia sẻ bố mẹ đã giới thiệu cho bé về luật Căn cước 2023, nên bé xin cùng bố đi làm thẻ căn cước để thuận tiện cho việc đi du lịch hoặc những công việc cá nhân khác sau này.
"Con thấy mọi việc ở đây rất dễ dàng, rất nhanh. Các cô chú công an tiếp đón con rất nhiệt tình và hòa đồng", Trang Nhung đánh giá.
Sau khi thu thập mống mắt, bé Trang Nhung được cán bộ công an chụp ảnh gương mặt, lấy vân tay và xác nhận lại thông tin.
Tích hợp ADN vào thẻ căn cước để phòng trường hợp bất trắc"Mỗi con người chỉ có một ADN, có một dấu hiệu xác nhận khác nhau. Việc tích hợp ADN vào thẻ căn cước sẽ làm tăng độ bảo mật của cá nhân, không trùng lặp với người khác. Bên cạnh đó, lỡ mình có vấn đề bất trắc thì mình có thể xác thực ADN để xác minh thông tin cá nhân", đó là lý do anh Nguyễn Anh Tú (ngụ H.Bình Chánh) quyết định tích hợp ADN vào thẻ căn cước.
Người dân sẽ được thu nhận lăn tay sau khi thu nhận mống mắt
Theo anh Nguyễn Anh Tú, quy trình để tích hợp ADN vào thẻ căn cước cũng rất đơn giản. Sau khi có kết quả xét nghiệm ADN của cơ quan có thẩm quyền (đã được Bộ Công an công bố danh sách), người dân đem kết quả đó cho cơ quan công an tại địa phương để tích hợp.
"Tôi cũng đăng ký tích hợp ADN vào thẻ căn cước cho con gái để cho nó an toàn, thuận tiện trong công việc sau này", anh Nguyễn Anh Tú nói thêm.
Sẽ chịu trách nhiệm nếu để lộ lọt thông tin của công dânTheo thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng PC06, đơn vị đã có sự chuẩn bị tốt nhất về trang thiết bị, nhân sự để triển khai cấp thẻ căn cước. Khi người dân đi làm thẻ căn cước, công an sẽ lấy dữ liệu sinh trắc học mống mắt, vân tay và ảnh khuôn mặt (từ đủ 6 tuổi trở lên).
Trong sáng 1.7, người dân đến PC06 làm thẻ căn cước được cán bộ hướng dẫn từng bước
Chỉ khi người dân có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước thì mới bắt buộc phải thu thập mống mắt. Đối với CCCD đã được cấp trước ngày 1.7 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, người dân vẫn sử dụng bình thường, không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải cho biết, Nếu công dân đã được cấp thẻ CCCD trước 1.7 vẫn muốn bổ sung mống mắt thì có thể đến cơ quan công an làm thủ tục cấp thẻ căn cước để đăng ký. Về quy trình thu nhận mống mắt tương tự như khi cấp mới.
"Riêng đối với sinh trắc học ADN và giọng nói là những thông tin do công dân tự nguyện cung cấp để được thu nhận và tích hợp vào trong dữ liệu căn cước của công dân", thượng tá Hải lưu ý.
Trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi đi làm thẻ căn cước sẽ được cán bộ thu nhận vân tay, mống mắt, chụp ảnh
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải nhấn mạnh: "Chúng ta đã có sự triển khai thực hiện luật Căn cước công dân 2014, do đó chúng ta đã có một tiền đề, sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện để triển khai thực hiện luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ ngày hôm nay. Với sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an TP.HCM, chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện tốt nhất luật Căn cước 2023".
Về tính bảo mật của dữ liệu được thu thập để cấp thẻ căn cước, Phó trưởng PC06 nhấn mạnh, luật Căn cước 2023 quy định rất chặt chẽ về công tác quản lý cơ sở dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu của những công dân được thu nhận thông tin căn cước để đưa vào thẻ căn cước. Điều này đồng nghĩa với việc có những quy định về mặt pháp luật yêu cầu các cơ quan quản lý, cơ quan thu nhận dữ liệu phải có trách nhiệm trước pháp luật về bảo đảm, bảo quản an ninh, an toàn dữ liệu của công dân.
Trong sáng 1.7, Công an Q.10 thu nhận gần 300 hồ sơ cấp, đổi thẻ căn cước
"Người dân hết sức yên tâm về dữ liệu của công dân, được đưa lên cơ sở dữ liệu căn cước sẽ được đảm bảo an toàn và những người có trách nhiệm thu nhận dữ liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có lộ lọt thông tin ra ngoài", thượng tá Nguyễn Ngọc Hải khẳng định.
Công an TP.HCM thí điểm thu nhận sinh trắc học ADN khi công dân đi làm thẻ căn cước (tự nguyện) tại trụ sở PC06, Công an Q.1, Tân Bình, TP.Thủ Đức; cấp giấy chứng nhận căn cước đối với một số trường hợp người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch tại Công an Q.10, Công an Q.11, Công an Q.Tân Bình.